Nhận thức mối nguy

1. Nếu chỉ dựa vào những con số thống kê vô cảm thì ai đó có thể tuyên bố rằng Singapore kém an toàn hơn TPHCM gấp 3 lần. Nói có sách mách có chứng, theo báo cáo chính thức của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM (1), cả thành phố lớn nhất Việt Nam với 8,5 triệu dân này năm 2017 xảy ra 1.007 vụ cháy. Trong khi đó, số liệu tương ứng từ Lực lượng Phòng vệ Dân sự (SCDF) của đảo quốc Sư tử với 5,4 triệu dân là 3.871 vụ, giảm 5,9% so với năm 2016 – mức thấp nhất trong vòng 40 năm qua (2). Thống kê của SCDF cho thấy các vụ cháy ở Singapore chủ yếu xảy ra tại nơi ở của người dân (66,8%), nguyên nhân chủ yếu phát sinh từ vật dụng vứt bỏ, rác, đồ nội thất, giấy báo cũ, hay đốt nhang, vàng mã…

Đáng lưu ý là mặc dù số vụ cháy do rác giảm nhờ tuyên truyền và ý thức cộng đồng của người dân, nhưng số vụ cháy do xe máy, xe đạp điện hay thiết bị di chuyển cá nhân chạy bằng điện (Personal Mobility Device – PMD) lại tăng 344 vụ, tăng 4% so với năm 2016 (40 vụ). Theo SCDF, các phương tiện này đều sử dụng pin lithium ion (LIB) có mật độ năng lượng cao và các vật liệu bên trong dễ cháy. Xét về mặt kỹ thuật, nếu như một viên pin được sạc quá nhanh, nó có thể gây đoản mạch dẫn đến cháy nổ. Pin được sạc lại trong một thời gian dài sẽ dẫn đến việc sạc quá mức và hỏng pin. Tất cả những điều này có thể gây ra một đám cháy lây lan rất nhanh và gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản, con người.

Nhưng dù muốn dù không, số liệu thống kê cũng có ý nghĩa quan trọng và cần thiết: mặc dù số trường hợp hỏa hoạn được chính thức ghi nhận trong năm 2016 và năm 2017 rất cao, nhưng nạn nhân tử vong trong các vụ cháy thì hạn chế ở con số 2 hoặc 3 và bị thương trên dưới 60 người. Những tỷ lệ thương vong do hỏa hoạn ở Singapore trong năm 2017 tương phản rất lớn so với 14.802 lần SCDF tiến hành kiểm tra an toàn PCCC tại các khu cư dân và cơ sở thương mại, với 2.543 thông báo về mối nguy hỏa hoạn (fire hazard) đã được đưa ra, trong đó có thể kể đến việc cửa thoát hiểm không có biển báo chiếu sáng hay lối thoát hiểm bị ngăn trở không cho phép xe cứu hỏa tiếp cận hiện trường. Đã có 2.845 trường hợp vi phạm an toàn PCCC bị cảnh cáo như dùng mặt bằng doanh nghiệp cho công nhân ở, hay cất trữ chất liệu dễ cháy mà không có giấy phép…

2. Rủi ro là một thực tế khách quan trong cuộc sống, nhưng những hiểu biết và nhận thức của con người vẫn còn hạn chế mặc dù để tiếp cận và lĩnh hội kiến thức về nó chỉ cần một cú nhấp chuột trên Internet. Ngoài những khái niệm như xác suất khách quan hay chủ quan, còn phải phân biệt sự khác nhau giữa hiểm họa (peril) và mối nguy (hazard).

Hiểm họa là nguyên nhân dẫn đến mất mát. Ví dụ như chung cư Carina Plaza ở TPHCM bị cháy vào rạng sáng 23-3 vừa qua là hiểm họa gây tử vong cho 13 người và bị thương 91 người, cùng hư hỏng về vật chất và thiệt hại khôn lường về kinh tế và an ninh chính trị xã hội.

Mối nguy là tác nhân làm tăng khả năng xảy ra mất mát. Trong vụ cháy vừa nêu thì cảnh sát PCCC, cùng các cơ quan chức năng, báo chí và công luận đã thống kê và tổng hợp rất nhiều mối nguy dẫn đến thiệt hại. Nhận thức về mối nguy đã khiến nhiều người dân bỏ tiền trang bị bình chữa cháy mini, thang dây cứu hộ, mặt nạ phòng độc. Một số đơn vị PCCC tại các quận, huyện đã tặng bình chữa cháy mini cho người dân sinh sống tại các chung cư cao tầng. Theo thông tin từ Trung tâm Thiết bị PCCC 4/10 thuộc Cảnh sát PCCC TPHCM, sức mua các sản phẩm PCCC và cứu hộ tại thành phố này đã tăng từ 30-40% chỉ vài ngày sau vụ cháy.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu với đầy đủ những thiết bị PCCC như trên, người dân có thể đảm bảo tự cứu mình trong những đám cháy trong những tòa nhà chung cư cao tầng, nhà tập thể hay khu dân cư đông đúc? Ngoài những mối nguy mang tính vật chất nêu trên, còn một mối nguy tiềm ẩn ghê gớm khác mà nhiều người không để ý là mối nguy tinh thần, tức là sự bất cẩn, thờ ơ hay chủ quan của một cá nhân, một nhóm người nào đó dẫn đến mất mát.

Một số người cứ nghĩ bỏ nhiều tiền ở khu chung cư cao cấp hay dự án nhà ở đẳng cấp sẽ an toàn hơn những nơi khác trong khi những người vào đây sinh sống cho dù là chính chủ hay ở thuê vẫn chưa “nâng cấp” về mặt ý thức an toàn đô thị và văn hóa cộng đồng. Một số khác lại cho rằng phải trang bị đầy đủ “đồ nghề” PCCC mới tự cứu mình và người thân khi xảy ra hỏa hoạn nhưng quên lưu ý rằng ngoại trừ những lính cứu hỏa chuyên nghiệp, việc đu dây từ trên cao xuống không phải ai cũng làm được. Thật trớ trêu khi đa số nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư Carina Plaza phần lớn là ở tầng thấp và một trường hợp tử vong do rơi xuống đất từ đu dây thoát hiểm đã trang bị cho riêng mình.

3. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2017, TPHCM đã có tổng cộng 935 tòa nhà chung cư với trên 141.000 căn hộ, chiếm 8,4% trong tổng số nhà ở trên toàn thành phố. Con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng do đặc thù của một đô thị trung tâm thu hút người dân các tỉnh thành trên cả nước, Việt kiều hồi hương và người nước ngoài đến làm ăn, lập nghiệp. Mật độ dân số cao tất yếu kéo theo giải pháp chung cư cho nhu cầu an cư lạc nghiệp của cư dân đô thị. Nói vắn tắt, người dân đô thị muốn có cuộc sống chất lượng hơn sẽ theo xu hướng sống trong những khu chung cư mang tính khép kín, cơ sở vật chất và dịch vụ tiện ích hiện đại, cộng đồng hành xử thanh lịch văn minh.

Singapore là một thị quốc mà hơn 80% người dân sống trong những khu nhà ở tập thể do nhà nước xây (gọi tắt là HDB), và nếu xét về thiết kế và cơ sở vật chất hay tiện nghi trong căn hộ thì có khi còn kém xa các căn hộ trung-cao cấp ở các thành phố lớn của Việt Nam. So sánh nào cũng dẫn đến chỗ khập khiễng, nhưng mọi thứ sẽ tốt hơn nếu các nhà lãnh đạo và quản lý cùng người dân thoát khỏi cái bẫy của tư duy rằng TPHCM sẽ trở thành một Singapore thứ hai, thậm chí vượt qua Singapore, bằng cách nhìn thẳng vào thực tế và giải quyết những vấn đề trong cuộc sống đến nơi đến chốn.

Có thể trong tương lai không xa, những con số thống kê về các vụ hỏa hoạn tại TPHCM sẽ “qua mặt” Singapore, số trường hợp vi phạm PCCC được ghi nhận sẽ tăng cao, số lượng và thời lượng các chương trình tuyên truyền, huấn luyện, nâng cao kiến thức của người dân sẽ dày hơn, số lần kiểm tra định kỳ hay đột xuất của lực lượng cảnh sát PCCC sẽ nhiều hơn trước… Nhưng những con số đó sẽ tỷ lệ nghịch và là một khoảng cách xa ngàn dặm so với số nạn nhân thương vong cùng những thiệt hại hữu hình và vô hình. Mong rằng những ai sống trong chung cư hay tòa nhà cao tầng sẽ hành xử quyền làm chủ tập thể của mình mạnh mẽ hơn bằng cách tham gia trực tiếp vào các ban quản lý, các tổ chức xã hội ở địa phương để bảo quản cho một ngôi nhà chung mà bản thân và gia đình là một tế bào không thể tách rời.

Khi đó, người ta sẽ nói về các tòa nhà chung cư ở TPHCM như những đô thị sinh động với những thông lệ và hành vi thân thiện, lành mạnh, một môi trường sống bền vững, an toàn với những cộng đồng đa dạng mà cư dân cảm thấy tự hào và gắn bó.

Theo thesaigontimes

 

Bình luận về bài viết này